Đọc truyện thai giáo cho bé ngày từ trong bụng mẹ là phương pháp kích thích sự phát triển thể chất và trí tuệ cho trẻ được nhiều cha mẹ thực hiện ở các nước phát triển. Theo nghiên cứu y khoa, giọng nói của bố mẹ ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển về mặt cảm xúc và nhận thức của thai nhi. Bố mẹ nên đọc truyện thai giáo cho trẻ mỗi ngày tạo điều kiện phát triển thai nhi tốt nhất. Để giúp phụ huynh tiết kiệm thời gian tìm kiếm truyện đọc thai giáo cho bé, hôm nay Happy Mum Care sẽ giới thiệu những câu truyện thai giáo cho bé tháng thứ 5 hay nhất qua bài viết dưới đây.
Khi nào mẹ nên đọc truyện thai giáo cho thai nhi?
Thời điểm thích hợp nhất để đọc truyện thai giáo cho bé trong bụng mẹ là vào tháng thứ 5 của thai kỳ. Lúc này ngũ quan của bé yêu đã phát triển gần như hoàn thiện, đặc biệt là thính giác. Con đã có thể nghe thấy rõ mọi âm thanh bên ngoài bụng mẹ. Thậm chí, còn có thể phản ứng lại bằng những cử động nhẹ.
Bên cạnh đó, việc ở trong bụng mẹ 9 tháng 10 ngày và được mẹ đọc truyện thai giáo cho thai nhi ngoài việc giúp bé thể có nghe được nhiều và “trọn vẹn” tiếng nói của mẹ. Thì sợi dây tình cảm gắn kết 2 mẹ con cũng càng thêm bền chặt. Đó cũng chính là lý do bé cưng có thể nhận ra mẹ ngay sau khi mới chào đời.
Phương pháp đọc truyện thai giáo cho bé
Phương pháp đọc truyện thai giáo cho thai nhi đơn giản, không tốn quá nhiều thời gian thực hiện. Mẹ có thể kết hợp đọc truyện và vuốt ve, trò chuyện, hát cho bé nghe. Điều này giúp tăng khả năng kết nối bé với thế giới xung quanh, thắt chặt tình cảm của bé với gia đình.
Lợi ích tuyệt vời của truyện thai giáo với sự phát triển của bé
Ngay từ tuần thai thứ 16, thai nhi có thể cảm nhận mọi âm thanh từ thế giới xung quanh. Hệ thống cơ quan thính giác hoàn thiện vào tuần thai thứ 24-25. Thời điểm này bé đã có phản ứng mạnh mẽ với các tiếng động, âm thanh từ bên ngoài như chuyển động, giật mình. Bố mẹ có thể bắt đầu áp dụng phương pháp đọc truyện thai giáo tháng thứ 4 cho bé tại thời điểm này để tăng tương tác với bé.
Theo nghiên cứu y khoa, phương pháp đọc truyện thai giáo trong thai kỳ, đặc biệt là trong tháng thứ 6 của thai kỳ, có thể mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho sự phát triển của thai nhi và mối quan hệ yêu thương giữa bé và gia đình.
Việc đọc truyện thai giáo cho bé trong thai kỳ không nhằm mục đích để bé hiểu hoặc nhớ câu chuyện, mà chủ yếu để bé tiếp xúc với âm thanh và giúp bé quen dần với các âm thanh từ thế giới bên ngoài. Việc này có thể có lợi cho sự phát triển của cơ quan thính giác của thai nhi và giúp bé phản ứng tích cực đối với âm thanh.
Nghiên cứu cũng cho thấy rằng việc áp dụng phương pháp truyện thai giáo có thể kích thích sự phát triển của trí não thai nhi. Nó có thể cải thiện khả năng tiếp thu thông tin của bé sau khi chào đời và ảnh hưởng tích cực đến kỹ năng ngôn ngữ của trẻ sơ sinh. Ngoài ra, việc đọc truyện thai giáo có thể góp phần hình thành cảm xúc và nhân cách của trẻ sau này.
Về việc đọc truyện thai giáo trong tháng thứ 8 của thai kỳ, không có quá trễ cả. Dù mẹ bầu đã đi vào tháng thứ 8, việc tiếp tục áp dụng phương pháp này vẫn có thể mang lại những lợi ích tích cực cho sự phát triển của thai nhi. Điều quan trọng là tạo môi trường yên tĩnh và tập trung để bé có thể nghe được âm thanh từ câu chuyện mà bạn đọc.
Tổng hợp các truyện thai giáo cho bé tháng thứ 5
1: CON CÚ KHÔN NGOAN
Dưới một tán cây sồi to, có một con cú già sống một mình. Con cú này thường ngồi nhìn xa về phía đồng cỏ và quan sát mọi chuyện diễn ra. Tuy nhiên, nó không bao giờ nói gì cả, chỉ im lặng nhìn và nghe.
Với thời gian, con cú già trở nên càng im lặng hơn và thính giác của nó càng trở nên tốt hơn. Nhờ đó, nó nghe được rất nhiều câu chuyện và điều kỳ lạ mà mọi người không thể nghe được. Câu chuyện nào cũng lý thú và gay cấn.
Con cú đã học được nhiều điều từ những câu chuyện mà nó nghe được. Nó trở nên khôn ngoan hơn, biết được những điều mà người khác không thể biết và nổi tiếng vì sự khôn ngoan của mình.
Câu chuyện về con cú khôn ngoan đã giúp chúng ta thấy được sức mạnh của việc lắng nghe và tìm hiểu thêm. Nếu chúng ta dành thời gian để nghe và quan sát, chúng ta có thể học được rất nhiều điều mới và trở nên khôn ngoan hơn.
2: SÓC VÀ THỎ ĐI TẮM NẮNG
Một hôm nắng đẹp, Sóc rủ Thỏ cùng ra bờ sông chơi. Khi ra tới nơi, Sóc tinh nghịch lấy một viên sỏi nhỏ và ném về phía Thỏ, khiến cho nước dưới sông bắn lên người Thỏ, khiến Thỏ ướt cả bộ lông trắng muốt.
Thỏ thấy vậy mà giận lắm, liền kiếm một viên sỏi khác để ném lại về phía Sóc.
Sóc không né kịp nên cũng chung tình trạng bị ướt sũng bộ lông như Thỏ. Lần này tới lượt Sóc nổi giận, liền tìm viên sỏi to hơn để trả thù Thỏ. Hai bạn ném qua ném lại tới khi cả hai thấm mệt. Lúc này, Sóc mới nói với Thỏ:
– Chúng mình đừng ném nhau nữa! Nếu tiếp tục, chúng ta có thể sẽ ném sỏi vào đầu, vào người nhau, gây ra nguy hiểm đó! Chúng ta cùng xí xóa nhé!
Thỏ ngẫm nghĩ vài giây rồi cười xòa:
– Vậy chúng ta làm hòa nhé! Giờ mình cùng nhau đi ngắm hoa nhé!
Thế là Sóc và Thỏ cùng nhau nắm tay đi ngắm hoa, nhờ nắng mà bộ lông của chúng cũng mau chóng được khô ráo.
3: SỰ TÍCH HOA CÚC TRẮNG
Ngày xửa ngày xưa, có một cô bé hiếu thảo sống cùng mẹ trong một lều tranh dột nát. Mẹ của cô bé bị bệnh nặng và không có tiền mua thuốc chữa bệnh. Một ngày, khi cô bé đang ngồi khóc bên đường, một ông lão đi qua và hỏi cô bé về sự tình. Sau khi nghe được câu chuyện, ông lão đã chỉ cho cô bé đi vào rừng, kiếm cây đại thụ to nhất và hái bông hoa duy nhất trên cây đó. Ông lão cũng nói thêm: “Bông hoa này có bao nhiêu cánh thì mẹ cháu sẽ sống được bấy nhiêu ngày”.
Cô bé đã vào rừng để tìm cái cây đại thụ như ông lão nói và cuối cùng tìm thấy một bông hoa trắng mọc trên cây. Tuy nhiên, bông hoa chỉ có bốn cánh,cô bé lo lắng: “ Không lẽ mẹ chỉ có thể sống thêm bốn ngày thôi sao?”
Không đành lòng, cô bé đã dùng tay xé nhẹ từng cánh hoa lớn thành những cánh hoa nhỏ, và bông hoa cũng theo đó mà có nhiều cánh hơn, cùng niềm hi vọng rằng mẹ sẽ sống được thêm nhiều ngày hơn.
Từ đó, người ta gọi bông hoa ấy là bông hoa cúc trắng, để tôn vinh tình cảm hiếu thảo của cô bé dành cho mẹ.
4: ĐẼO CÀY GIỮA ĐƯỜNG
Có một bác nông dân nghèo, một ngày nọ bác kiếm được một cây gỗ tốt, liền nghĩ ngay tới việc đẽo một chiếc cày để phục vụ cho việc đồng áng. Bác liền mang cây gỗ ra ven đường để tiện ai đi qua thì hỏi ý kiến cách đẽo thành một chiếc cày.
Bác đang đẽo thì có người đi qua và chê:
– Cày mà bác đẽo to thế thì không làm được đâu, cần đẽo nhỏ hơn!
Bác nghe vậy liền làm theo, đẽo cho nhỏ lại. Được một lúc, lại có người đi qua và phán:
– Đầu cày sao lại dài thế? Bác phải đẽo cho ngắn lại!
Lần này, bác nông dân nghe cũng thấy có lý nên liền đẽo ngay cho đầu cày ngắn lại. Đẽo gần xong thì lại có người đi qua và khuyên bác:
– Bác đẽo cày như này là không ổn rồi! Cày dài như này rất khó cầm nắm!
Lần này cũng như những lần trước, bác vội vàng chỉnh sửa theo lời khuyên của người qua đường.
Cuối cùng, đến chiều, cây gỗ của bác không thành chiếc cày hoàn hảo như bác muốn mà trở thành một khúc gỗ nhỏ bằng cánh tay. Lúc này thì bác đã hiểu: “Làm việc gì cũng cần có chính kiến và lập trường, có vậy mới đạt được mục tiêu đã đề ra.”
5: ẾCH NGỒI ĐÁY GIẾNG
Ở trong một chiếc giếng hoang nọ, có con ếch sống cùng các con vật khác như nhái, cua, ốc… Mỗi lần nó ngước nhìn lên bầu trời, nó thấy bầu trời to bằng đúng miệng giếng. Nó thầm nghĩ rằng: “Ồ hóa ra bầu trời chỉ bé như vậy, ta có thể nhìn thấy hết bầu trời”. Hàng ngày, nó dõng dạc cất tiếng kêu ộp ộp vâng động cả giếng, khiến các con vật nhỏ bé khác sống chung trong giếng sợ hãi. Điều này khiến nó càng tin tưởng rằng bầu trời nhỏ bé và nó là bá chủ của bầu trời.
Rồi một ngày, mưa như trút nước, khiến cho nước mưa tràn ngập giếng. Các con vật, cả ếch đều dềnh lên bờ. Khi này, ếch nhìn thấy bầu trời bỗng to lớn hơn sức tưởng tượng của nó. Dù sợ hãi nhưng nó vẫn cố chấp không tin vào điều này, cố ra oai bằng cách kêu ộp ộp. Tuy nhiên vì mải kêu và nhìn lên trời mà nó bị con trâu đi ngang qua dẫm bẹp.
Câu chuyện muốn nhắc nhở chúng ta rằng không nên tự mãn và coi mình là nhất trong một thế giới nhỏ hẹp, mà cần mở rộng tầm nhìn và hiểu rõ hơn về những điều quan trọng trong cuộc sống.
Tổng hợp các truyện thai giáo cho bé tháng thứ 6
1: BÁC RÙA TỐT BỤNG
Ý nghĩa: Không nên trông mặt mà bắt hình dong, không nên đánh giá người khác chỉ thông qua vẻ bề ngoài.
2: KHỈ CON BIẾT VÂNG LỜI
Ý nghĩa: Câu chuyện khuyên chúng ta khi chúng ta đã nhận làm việc nào đó thì cần hoàn thành công việc.
3: VỆ SINH BUỔI SÁNG
Ý nghĩa: Câu chuyện khuyên chúng ta buổi sáng ngủ dậy cần đánh răng, rửa mặt, chải đầu… vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
4: GẤU CON BỊ SÂU RĂNG
Ý nghĩa: Ngoài đánh răng buổi sáng, chúng ta cũng cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ trước khi đi ngủ để vi khuẩn sâu răng không làm hại răng của chúng ta.
Tổng hợp các truyện thai giáo cho bé tháng thứ 7
Truyện 1: Rùa và Thỏ
Truyện thai giáo tháng thứ 7: Rùa và Thỏ
“Ngày xửa ngày xưa, có một con Rùa và một con Thỏ cãi nhau xem ai nhanh hơn. Chúng quyết định giải quyết việc tranh luận bằng một cuộc thi chạy đua. Chúng đồng ý lộ trình và bắt đầu cuộc đua.
Thỏ xuất phát nhanh như tên bắn và chạy thục mạng rất nhanh, khi thấy rằng mình đã khá xa Rùa, Thỏ nghĩ nên nghỉ cho đỡ mệt dưới một bóng cây xum xuê lá bên vệ đường và nghỉ thư giãn trước khi tiếp tục cuộc đua.
Vì quá tự tin vào khả năng của mình, Thỏ ngồi dưới bóng cây và nhanh chóng ngủ thiếp đi trên đường đua. Rùa từ từ vượt qua Thỏ và sớm kết thúc đường đua.
Khi Thỏ thức dậy thì rùa đã đến đích và trở thành người chiến thắng. Thỏ giật mình tỉnh giấc và nhận ra rằng nó đã bị thua”.
Truyện 2: Đôi bạn tốt
Truyện thai giáo cho thai nhi tháng thứ 7: Đôi bạn tốt
“Thím Vịt bận đi chợ xa đem con đến gửi bác gà mái mẹ. Gà mái mẹ gọi con ra chơi với Vịt con.
Gà con xin phép mẹ dẫn Vịt con ra vườn chơi và tìm giun để ăn. gà con nhanh nhẹn đi trước. Vịt con lạch bạch theo sau. Thấy Vịt con chậm chạp, Gà con tỏ ra không thích lắm.
Ra tới vườn, Gà con lấy hai chân bới đất tìm giun. Ngón chân của Vịt có màng không bới đất được. Vịt con cứ lạch bạch khiến đất bị nén xuống. Gà con không tài nào tìm giun được. Gà con tức quá nói với Vịt con:
– Bạn chẳng biết bới gì cả, bạn đi chỗ khác chơi để tôi bới một mình vậy.
Vịt con thấy Gà con cáo với mình cũng buồn, liền bỏ ra ao tìm tép ăn. Một con Cáo mắt xanh, đuôi dài nấp trong bụi rậm, thấy Gà con đi tìm mồi một mình định nhảy ra vồ. Gà con sợ quá vội ba chân bốn cẳng chạy ra bờ ao. Gà con vừa chạy vừa kêu : “Chiếp, chiếp, chiếp !”.
Vịt con đang lặn ngụp tìm tép, nghe tiếng bạn gọi vội lướt nhanh vào bờ kịp cõng bạn ra xa. Cáo chạy tới bờ đã thấy Gà và Vịt đang ở gần ao sâu. Chờ mãi không được, Cáo liếm mép và bỏ đi. Nhờ Vịt có đôi chân như mái chèo bơi rất nhanh mà Gà con thoát chết… Lúc này Gà con mới thấy việc mình đuổi Vịt con là không tốt, và xin lỗi bạn. Vịt con không giận mà còn mò tép cho gà con ăn.
Từ đấy mỗi khi Vịt con đến chơi. Gà con mừng tíu tít đi tìm giun cho Vịt con ăn. Gà con nhanh nhẹn đi trước, Vịt con lạch bạch theo sau. Hai bạn gà và Vịt rất quý mến nhau”.
Truyện 3: Giọng Hót Chim Sơn Ca
Truyện thai giáo cho bé tháng thứ 7: Giọng hót chim sơn ca
“Ngày xửa, ngày xưa, ở một khu rừng nọ có rất nhiều loài chim. Mỗi loài có một giọng hát khác nhau. Duy chỉ có Sơn Ca có giọng hót hay hơn cả. Mỗi khi Sơn Ca hót, cỏ, cây, hoa lá rì rào hoà theo. Dòng suối đang chảy róc rách cũng như muốn dừng lại để thưởng thức giọng hót mê li ấy.
Một hôm chim Sẻ được các bạn cử đến gặp Sơn Ca. Chim Sẻ hỏi Sơn Ca:
– Bạn Sơn Ca ơi, có phải bác Mặt Trời cho bạn giọng hát mê li ấy không?
– Không phải đâu. Bác Mặt Trời tốt bụng chỉ cho tôi những tia nắng vàng rực rỡ, ấm áp thôi.
– Thế có phải cô Mây Hồng đã cho bạn giọng hót hay không?
– Cũng không phải đâu bạn Sẻ ạ. Cô Mây Hồng xinh đẹp chỉ cho tôi những tảng bông êm dịu thôi.
– Ôi Sơn Ca đáng yêu : Thế ai đã cho bạn giọng hót hay?
Chim Sẻ và cả bầy chim không hiểu tại sao mà Sơn Ca có giọng hót tuyệt vời đến thế. Các bạn quyết định đến trường hỏi cô giáo Hoạ Mi. Nghe các học trò của mình hỏi, cô giáo Hoạ Mi cười rất vui. Cô nói:
– Cô và các cháu cùng nhau tìm hiểu điều đó. Sáng mai cô sẽ đợi các cháu, ta cùng đến nhà bạn Sơn Ca. Nhưng các cháu phải nhớ dậy sớm đấy.
Sáng hôm sau, khi đến nhà Sơn Ca, các bạn thấy Sơn Ca vừa chuyền cành vừa hót say sưa. Thỉnh thoảng Sơn Ca vừa nghiêng đầu lắng nghe tiếng cây cối xào xạc, tiếng suối chảy róc rách. Nghe rất kĩ, rất lâu những âm thanh ấy rồi Sơn Ca mới bắt chước theo. Các bạn chim lúc ấy mới chợt hiểu vì sao Sơn Ca có giọng hót hay đến thế. Cả đàn chim ríu rít cất tiếng hoà với giọng hót của Sơn Ca. Rừng cây rộn ràng tiếng hót của bầy chim non chào mừng ngày mới”.
Truyện 4: Ai cho trái ngọt
Đọc truyện thai giáo tháng thứ 7: Ai cho trái ngọt
“Một cô bé dạo chơi trên đường làng. Thấy bên hàng rào có mấy quả dâu chín mọng, cô bé hái và ăn thật ngon lành.
– Cảm ơn bạn dâu nhé, bạn đã cho tôi mấy quả chín ngọt tuyệt.
– Sao bạn không cảm ơn tôi? – Một giọng nói khe khẽ cất lên.
– Ôi! Ai đấy? – Cô bé hoảng sợ.
– Tôi là nước, hàng ngày tôi tưới cho cây dâu để dâu lớn lên tươi tốt.
– Bạn cũng quên cảm ơn tôi đấy! – Một giọng nói ồm ồm vang lên.
– Ai mà nói ồm ồm thế? – Cô bé ngạc nhiên hỏi.
– Tôi là đất, tôi nuôi cây dâu để dâu cho quả ngọt.
– Cô bé ơi, cô còn quên cảm ơn tôi nữa – Giọng ai đó lanh lảnh vang lên.
– Nhưng bạn là ai chứ? – Cô bé hỏi:
– Tôi là tia nắng. Tôi sưởi ấm cho cây dâu để dâu cho quả chín mọng.
– Cảm ơn tất cả các bạn, bạn nước, bạn đất, bạn mặt trời vì các bạn đã cho tôi những trái dâu ngon tuyệt – Cô bé vui vẻ nói rồi chạy về nhà.
Còn nước, đất và mặt trời lại tiếp tục làm việc của mình để mang đến cho mọi người những trái cây chín ngọt. Những người bạn cần cù và tốt bụng ấy còn mang đến cho chúng mình những gì nữa, các bé có biết không nào?”.
Truyện 5: Ba Ba tìm nhà
Đọc truyện thai giáo cho bé tháng thứ 7: Ba ba tìm nhà
“Trời mùa thu mát rượi, nắng sớm lung linh chiếu trên mặt đất. Một chú Ba Ba vừa mới đạp vỡ vỏ trứng chui ra được có mấy ngày, đang ngơ ngác đi tìm nhà của mình.
Chú nhìn thấy một vật tròn tròn dính trên thân cây to bị đổ nằm ngang, chú liền bò đến hỏi:
– Đây có phải là nhà của cháu không ạ?
Nghe tiếng động, một đàn ong bay vù ra. Ba Ba sợ quá nghĩ bụng: “Có lẽ nhà của mình ở dưới lòng đất?”
Chú bò đi, tìm thấy một cái hang ở góc tường. Ba Ba đang định rúc vào hang, thì mấy chú chuột con chui ra, chít chít chào Ba Ba rồi nói ngọt ngào:
– Đây là nhà của chúng tớ.
Ba Ba lại nghĩ: “Hay là nhà của mình ở trên núi nhỉ?” Chú bò chậm chạp lên một cái hốc núi vừa lúc gấu con trong hốc đi ra.
À, hốc núi là nhà của gấu.
Ba Ba nghĩ mãi: “Có khi nhà mình ở dưới sông cũng nên?”
Chú bò đến bên bờ con sông nhỏ. Vừa mới xuống nước bơi được quãng ngắn, Ba Ba thấy ngạt đến không thở được.
Chú vội lên ngồi nghỉ ở một phiến đá ven bờ. Bỗng, một cô Ốc Sên nhỏ từ trong hẻm đá bò ra. Ba Ba liền hỏi thăm:
– Cô bé Ốc Sên xinh đẹp ơi! Có biết nhà của anh đâu không?
Cô Ốc Sên có đôi má đỏ bồ quân tươi cười, nhìn Ba Ba từ đầu đến chân rồi trả lời:
– Ái chà, sao mà anh ngốc thế! Anh cứ nhìn kỹ em đi, rồi là lại ngắm cái lưng của mình sẽ biết.
Ba Ba ngoảnh cổ nhìn cái mai của mình y như viên ngói lợp trên lưng, mà lại giống màu vỏ ốc sên. Thế là Ba Ba đã tìm được nhà của mình”.
Tổng hợp truyện thai giáo cho bé tháng thứ 8
Truyện thai giáo 1: Sự tích bông hoa cúc trắng
Truyện Sự tích bông hoa cúc trắng
“Ngày xưa, có hai mẹ con nhà nọ sống trong một túp lều nơi xóm vắng. Người chồng mất sớm, nên mẹ con làm lụng vất vả lắm mới đủ ăn. Hằng ngày, gà chưa gáy sáng, bà mẹ đã phải dậy làm việc cho đến mãi tận đêm khuya.
Một hôm, gà gáy lâu lắm rồi mà vẫn chưa thấy mẹ dậy. Cô bé thức giấc vội đến bên mẹ, cô biết là mẹ đã ốm rồi! Làm thế nào bây giờ, giữa nơi hoang vắng và cảnh nghèo túng này? Cô chỉ còn biết đắp chiếc áo ấm độc nhất của mình cho mẹ, rồi ngồi đấy chăm sóc mẹ. Mẹ cô thỉnh thoảng hé đôi mắt khô héo lên nhìn con.
Một buổi chiều, khi ánh nắng chiếu qua khe liếp, bà mẹ chợt tỉnh lại. Bà cất tiếng thều thào:
– Con ơi! Con đi mời thầy thuốc về đây. Mẹ thấy trong người khó chịu lắm.
Cô bé vội vã ra đi. Vừa đi cô vừa lo cho mẹ. Được một đoạn đường dài, cô gặp một cụ già tóc bạc phơ. Thấy cô bé đi một mình, cụ liền hỏi:
– Cháu đi đâu mà vội thế?
– Thưa cụ, cháu đi tìm thầy thuốc. Mẹ cháu ốm đã lâu, mà bệnh tình mỗi ngày một thêm nặng.
Tự nhận là thầy thuốc, cụ bảo em dẫn về nhà để xem bệnh giúp. Về đến nhà, xem mạch cho người ốm xong, cụ quay lại hỏi cô bé:
– Chỉ có hai mẹ con cháu ở đây thôi ư?
– Thưa, vâng ạ!
– Từ hôm mẹ ốm, cháu chăm sóc mẹ như thế nào?
– Thưa cụ, cháu chỉ biết quanh quẩn bên giường làm vui lòng mẹ cháu.
– Mẹ cháu bị bệnh nặng lắm. Ta sẽ cố chữa cho mẹ cháu khỏi. Bây giờ cháu cần đi đến gốc đa đầu rừng, hái cho ta một bông hoa trắng thật đẹp, mang về đây để ta làm thuốc.
Bên ngoài trời rất lạnh. Cô bé chỉ có mỗi một chiếc áo mỏng trên mình. Cô lẳng lặng bước đều trong gió rét. Vừa đi cô vừa lo cho mẹ. Cô đi mỏi chân mới đến gốc đa đầu rừng. Quả nhiên cô thấy trên bụi cây trước mặt có một bông hoa trắng rất đẹp. Cô ngắt bông hoa, tay nâng niu với tất cả tấm lòng tha thiết, cầu mong cho mẹ tai qua nạn khỏi. Bỗng cô nghe như văng vẳng bên tai tiếng cụ già tóc bạc ban nãy lại khuyên nhủ cô:
– Cháu hãy yên tâm, mỗi cánh hoa trên bông hoa sẽ là một ngày mẹ cháu được sống thêm.
Cô bé cúi xuống nhìn hoa, cô đếm: “Một, hai, ba, bốn, …, rồi hai mươi. Trời ơi! Còn có hai mươi ngày nữa thôi ư?”
Suy nghĩ một lát, cô rón rén chạy ra phía sau cây đa. Cô nhẹ tay xé mỗi cánh hoa ra thành nhiều sợi. Bông hoa trở nên kì lạ. Mỗi sợi nhỏ biến thành từng cánh nhỏ dài và mượt, trắng bóng như tấm lòng ngây thơ trong trắng của cô. Những cánh hoa mọc thêm ra nhiều không sao đếm được! Cô bé nâng niu trên tay bông hoa lạ đó. Trời ơi! Sung sướng quá! Cô vùng chạy về. Đến nhà, cụ già tóc bạc bước ra cửa tươi cười đón cô và nói:
– Mẹ cháu đã khỏi bệnh! Đây chính là phần thưởng cho tấm lòng hiếu thảo của cháu đấy!
Từ đó hàng năm, về mua thu, thường nở những bông hoa có nhiều cánh nhỏ dài mượt, trông rất đẹp.
Đó chính là bông hoa cúc trắng”.
Truyện thai giáo 2: Cây rau của Thỏ Út
Truyện Cây rau của Thỏ út
“Mùa thu đã qua, mùa đông đã tới. Thỏ Mẹ dẫn các con ra vườn và bảo:
– Các con ạ, bây giờ là vụ rau rồi, mẹ sẽ dạy các con trồng củ cải nhé.
Ba anh em Thỏ ríu rít trả lời:
– Thưa mẹ, vâng ạ!
Bốn mẹ con quây quần bên luống đất, mẹ bắt đầu giảng:
– Muốn trồng rau, người ta phải làm đất, rồi gieo hạt…
Nhưng mới nghe mẹ nói vậy, thỏ Út đã nghĩ thầm:
“Thế thì mình cũng biết rồi” và không chú ý nghe mẹ nói nữa. Chú ngồi đấy nhưng còn mải nhìn theo con bươm bướm ngoài vườn nên chẳng biết mẹ còn dặn điều gì nữa.
Mẹ giảng xong, ba anh em bắt đầu làm việc, mỗi người phải trồng một luống rau nho nhỏ. Hai anh của thỏ Út cặm cụi cuốc đất, đập đất cho nhỏ tơi ra rồi mới gieo hạt, còn Thỏ Út thì chỉ làm qua quýt rồi nhảy đi chơi.
Ít ngày sau, hạt giống nảy mầm. Những cây rau bé li ti hiện ra. Hai luống rau của các anh cây mọc đều, trông như những chiếc khăn màu xanh tươi phủ lên mặt đất, còn luống rau của thỏ Út thì cây mọc thưa thớt, cây cao, cây thấp. Thế nhưng thỏ Út vẫn mải chơi chẳng chịu chăm bón gì cả.
Tới vụ thu hoạch, cây rau nào của các anh lá cũng to, củ cũng to, còn những cây rau của thỏ Út thì cằn cỗi vì thiếu nước, củ bé tí tẹo. Thỏ Út xấu hổ quá, biết nói sao với mẹ bây giờ?
Thấy vậy, thỏ Mẹ bảo:
– Nếu con chú ý nghe lời mẹ và chăm sóc vườn rau thì rau của con sẽ tươi tốt đúng không?
Sau vụ ấy, thỏ Út hỏi lại mẹ cách làm đất, trồng rau, vun luống, gieo hạt rồi bắt đầu trồng lại luống rau khác.
Đúng như lời mẹ đã nói: “Phải biết cách trồng và chăm sóc tưới bón”. Lần này, rau của thỏ Út lớn rất nhanh. Đến vụ thu hoạch, thỏ Út chở về nhà những cây rau lá xanh non.
Thỏ Út rất vui. Mẹ thỏ còn vui hơn vì thấy thỏ Út đã biết chăm chỉ và chịu khó làm việc.”.
Truyện thai giáo 3: Khỉ và cá sấu
Truyện Khỉ và cá sấu
“Ở một khúc sông nọ, có một con khỉ sống trên một cây cao lớn kết bạn với một con cá sấu sống ở dòng sông gần đó. Khỉ coi cá sấu là bạn thân, mỗi ngày nó sẽ hái những quả táo ngon ở trên cây và đem tặng bạn cá sấu.
Cá sấu đem quà khỉ tặng về và ăn chung với vợ mình. Nhưng vợ cá sấu rất tham ăn và muốn ăn cả trái tim của chú khỉ. Cá sấu rất băn khoăn khi nghe mong muốn đó của vợ, nhưng rồi vẫn làm theo ý vợ.
Cá sấu đã mời khỉ ngồi trên lưng mình để đưa đi du ngoạn, tham quan dòng sông nhưng thật ra nó có ý định lấy quả tim của khỉ. Khi cá sấu bơi đến giữa dòng, khỉ biết được mưu đồ xấu xa ấy của cá sấu. Nó thật bình tĩnh và nhanh trí nói với cá sấu rằng mình để quả tim ở trên cây, nếu như muốn lấy thì hãy chở nó quay lại bờ. Cá sấu đã tin ngay lời khỉ và chở khỉ quay trở lại để lấy quả tim. Thế nhưng, khi đến bờ, khỉ đã thoăn thoắt trèo lên cây và chẳng mấy chốc đã biến mất. Và thế là, kế hoạch lấy tim khỉ về cho vợ của cá sấu đã hoàn toàn thất bại.
Từ đó, khỉ và cá sấu cũng không còn chơi với nhau nữa”.
Truyện thai giáo 4: Vịt xám không nghe lời mẹ
Truyện Vịt xám không nghe lời mẹ
“Vịt mẹ dẫn Vịt con đi chơi. Trước khi đi, Vịt mẹ dặn:
– Các con phải đi theo mẹ, theo đàn, không được tách ra đi một mình mà con cáo ăn thịt đấy!
Đàn Vịt con vâng dạ rối rít.
Vừa ra khỏi cổng làng, chú Vịt Xám đã quên ngay lời mẹ dặn. Chú lẻn đi chơi một mình, lang thang hết nơi này đến nơi khác. Cuối cùng chú đến một cái ao có rất nhiều tôm cá. Đứng trên bờ nhìn xuống, chú thấy từng đàn cá, tôm bơi lội tung tăng dưới nước, thỉnh thoảng một con tôm cong mình nhảy tanh tách.
Thích quá, chú nhảy xuống mò lấy, mò để. Lúc ăn đã gần no, chú mới nhìn lên chẳng thấy Vịt mẹ đâu cả. Hoảng sợ, chú nhảy lên bờ gọi mẹ ầm ĩ: “Vít… vít… vít”. Gần đấy có một con cáo đang ngủ, nghe tiếng Vịt kêu, Cáo liền nhổm dậy.
Nó lẩm bẩm
– Chà thịt vịt con ăn ngon lắm đấy! Hôm nay mình sẽ được một bữa thịt vịt thật là ngon.
Nói rồi Cáo đi nhanh ra phía bờ ao. Khi Cáo vừa ra đến nơi thì cũng là lúc Vịt mẹ tìm thấy Vịt Xám. Trông thấy Cáo, Vịt mẹ vội dẫn Vịt Xám nhảy tùm xuống ao. Thế là Vịt Xám thoát chết.
Từ đấy Vịt Xám không bao giờ dám làm sai lời mẹ dặn”.
Truyện thai giáo 5: Chú Chồn lười học
Truyện Chú Trồn lười học
“Chồn mướp sống ở khu rừng thông, vì là con một nên cậu được cha mẹ cưng chiều vô cùng. Tới tuổi đi học rồi, nhưng Chồn mướp vẫn không chịu đến trường, cứ lo rong chơi.
Bố mẹ cưng quá nên Chồn sinh hư, khuyên bảo mấy cậu cũng không nghe, còn cãi lại nữa. Chồn rủ Nhím đi chơi, nhưng Nhím từ chối vì phải lo đi học. Cả Thỏ và Sóc cũng vậy. Chồn phải đi chơi một mình, mải ham bắt bướm nên càng lúc càng đi lạc vào trong rừng.
Chồn tìm đường ra ngoài, nhưng không biết chữ nên không đọc được bảng chỉ dẫn. Cậu ngồi xuống vừa khóc vừa hối hận, nếu chịu khó đi học biết chữ thì bây giờ đâu phải như thế này. Đúng lúc đó thì bác Sư Tử xuất hiện, chồn tưởng mình sắp bị ăn thịt nên quỳ lạy xin tha mạng.
Bác Sư Tử bảo: “Ta chỉ muốn giúp cháu thôi, vì cháu không biết chữ chứ gì?” Chồn gật đầu. Được bác Sư Tử khuyên răn và chỉ đường, Chồn mừng lắm và nhất quyết từ nay phải đi học”.
Tổng hợp truyện thai giáo cho bé tháng thứ 9
Truyện thai giáo 1: Cừu non và Cá con
Truyện thai giáo: Cừu non và cá con
“Ngày xửa ngày xưa có hai anh em nhà kia mẹ mất sớm, hai anh em phải ở với dì ghẻ, mụ chẳng thương gì con chồng, tìm mọi cách để hành hạ hai đứa bé.
Cách nhà không xa là ao, rồi đến một bãi cỏ. Hai anh em cùng với trẻ con hàng xóm chơi đuổi bắt, vừa chơi chúng vừa hát:
Này sên hỡi, sên ơi,
Ta để ngươi sống sót,
Ngươi móc thóc cho chim,
Để chim móc rơm rạ,
Ta đem cho bò ăn,
Bò no căng cho sữa,
Ta nhào bột đưa lò,
Bác thợ làm bánh cho,
Mèo ăn no, bắt chuột
Chuột nhắt trèo hàng rào,
Cắn đứt dây chuột chạy.
Đám trẻ đứng thành vòng tròn, vừa vỗ tay vừa đếm hát, chữ đứt dây rơi vào ai thì người đó chạy ra khỏi hàng, những đứa trẻ khác chạy theo đuổi bắt.
Nhìn qua cửa sổ thấy đám trẻ nô đùa vui vẻ dì ghẻ lại càng bực mình. Vốn biết phép thuật của phù thủy mụ dì ghẻ phù phép biến bé trai thành con cá con và bé gái thành cừu non. Cá con buồn rầu, lặng lẽ bơi đi bơi lại trong ao, còn con cừu non buồn rầu cũng không kém, đi đi lại lại trên bãi cỏ nhưng chẳng hề đụng tới một ngọn cỏ nào cả.
Một thời gian dài trôi qua. Một hôm có khách tới chơi, mụ dì ghẻ độc ác nghĩ dịp may đã đến. Mụ gọi ngay đầu bếp lại và bảo:
– Ra ngoài bãi cỏ bắt con cừu vào làm thịt, hôm nay chẳng còn gì đãi khách.
Nghe lời đầu bếp dắt cừu vào bếp, trói bốn chân lại mà chẳng hề thấy cừu cựa quậy. Nhưng vừa mới rút dao ra liếc vào đá cho sắc để chọc tiết cừu thì bác đầu bếp nhìn thấy một con cá bơi đi bơi lại trong rãnh nước cống, thỉnh thoảng lại ngoi lên ngước nhìn bác. Khi thấy bác đầu bếp dẫn cừu đi cá liền lách theo lạch nước vào tận trong nhà.
Đang mải nhìn cá bỗng bác nghe thấy tiếng người nói:
Anh ở trong ao sâu,
Biết đâu em đau khổ
Bác đầu bếp liếc dao,
Chọc cổ em làm thịt.
Cá con đáp:
Em gái anh nơi nao
Biết anh bao phiền muộn.
Nghe thấy cừu nói những lời buồn tủi với cá, bác đầu bếp giật mình sợ hãi, bác nghĩ, có lẽ đây không phải là cừu mà là người bị mụ chủ nhà độc ác phù phép hóa thành cừu. Định thần lại bác nói:
– Cứ yên tâm, ta không làm thịt ngươi đâu.
Bác bắt một con heo làm thịt để đãi khách, còn cừu bác dẫn tới gởi ở nhà một bà nông dân tốt bụng, bác kể cho bà nghe những điều tai nghe mắt thấy. Nghe chuyện bà biết ngay đó là ai, vì trước kia bà là vú nuôi của gia đình hai em bé. Bà dẫn cừu đến chỗ một bà mụ đỡ đầu. Bà đọc thần chú xong thì cừu và cá hiện nguyên hình thành người. Sau đó bà dẫn hai em tới một căn nhà nhỏ ở giữa một khu rừng lớn. Hai anh em sống ở đó tuy lẻ loi nhưng yên ổn và sung sướng.”
Truyện thai giáo 2: Gà Trống và Vịt Bầu
Truyện thai giáo: Gà trống và vịt bầu
“Gà trống và Vịt bầu là đôi bạn rất thân. Gà trống tính tình kiêu căng, còn Vịt bầu thì hiền lành, ngoan ngoãn và tốt bụng.
Một hôm, hai bạn xin phép bố mẹ rủ nhau đi chơi. Bố mẹ của hai bạn dặn rằng: “Các con đi chơi hoặc đi đâu, muốn làm một việc gì đó thì phải suy nghĩ thật kĩ rồi mới làm nhé”.
Hai bạn vừa đi vừa chuyện trò ríu rít. Đến một khúc sông rộng. Vịt bầu bảo Gà trống:
– Gà trống ơi! Phía bên kia sông cảnh đẹp lắm!
Gà trống nhìn thoáng qua rồi nói với Vịt bầu:
– Ừ nhỉ! Chúng mình sang bên kia sông chơi đi!
Vịt bầu nghe Gà trống nói, chợt nhớ liền suy nghĩ một lúc rồi trả lời:
– Không được đâu Gà trống ơi! Khúc sông rộng như thế này, mình thì bơi được, còn bạn thì biết làm sao? Bạn không nhớ lời bố mẹ dặn à?
Vịt bầu vừa nói dứt lời thì Gà trống đáp ngay:
– Ôi dào! Cậu biết bơi thì bơi, còn mình biết bay thì bay chứ sao! Bởi vì mình có cánh mà.
Vịt bầu chưa kịp ngăn bạn thì Gà trống đã vỗ cánh bay vèo. Nhưng đến giữa sông, Gà trống nhìn xuống dòng nước đang chảy, chóng mặt và mỏi cánh qua không thể bay được nữa. Gà trống bị rơi tõm xuống sông. Gà trống kêu thất thanh:
– Cứu mình với Vịt bầu ơi! Cứu mình với!…
Vịt bầu vội bơi ra giữa sông để cứu Gà trống. Nhưng Gà trống vừa to, vừa uống một bụng nước đầy nên Vịt bầu chẳng làm sao đưa Gà trống lên bờ được. Cũng may lúc đó có bác Ngỗng Nâu bơi tới và đưa Gà trống lên bờ.
Được Vịt bầu và bác Ngỗng Nâu cứu sống. Gà trống ân hận lắm. Từ đó, Gà trống bỏ được tính kiêu căng và luôn nghe lời bố mẹ dặn”.
Truyện thai giáo 3: Cáo cụt đuôi
Truyện thai giáo: Cáo cụt đuôi
“Một con Cáo bị mắc bẫy, sau nhiều lần giật mạnh đau đớn vùng vẫy thoát ra được, bèn chạy đi. Nhưng nó phải bỏ lại cái đuôi đẹp đẽ của nó lại trong bẫy.
Trong một thời gian dài, nó không dám gặp mặt những con Cáo khác, vì nó biết rất rõ rằng, tất cả lũ Cáo kia sẽ lấy nó làm trò cười, chế giễu và đùa cợt sau lưng nó. Nhưng nó sống một mình cũng khó, nó cuối cùng cũng nghĩ ra được một kế để giải quyết cái vấn đề hóc búa này.
Nó kêu gọi triệu tập một cuộc họp mặt tất cả lũ Cáo, nói rằng nó có một vài điều quan trọng cần phải nói cho cả làng biết.
Khi chúng đã đến tham dự đông đủ, con Cáo cụt đuôi đứng dậy và diễn thuyết một hồi rất lâu về việc những con Cáo đã mắc nạn chỉ vì cái đuôi của mình.
Con này thì đã bị chó săn vồ vì khi chạy đuôi bị vướng vào bụi gai. Con kia thì không thể chạy đủ nhanh để thoát vì cái đuôi quá nặng nề. Ngoài ra, như ai cũng đã biết, nó nói, rằng con người bây giờ đi săn Cáo cũng chỉ là muốn có được cái đuôi Cáo, họ cắt đuôi để treo làm chiến tích đi săn thú. Với những chứng cứ về tính nguy hiểm và vô dụng của cái đuôi, Cáo Già nói, nó khuyên tất cả các con Cáo nên về cắt đuôi đi, nếu muốn được sống cho an toàn.
Khi nó vừa nói xong, một cụ Cáo đứng dậy, nói và cười mỉm:
“Lão Cáo, xin lão vui lòng quay mặt đi chỗ khác một chút, rồi chúng tôi sẽ trả lời lão.”
Khi con Cáo Cụt Đuôi tội nghiệp quay mặt đi, cả làng Cáo ồ lên cười và la ó, lúc đó Cáo Cụt Đuôi biết là có thuyết phục lũ Cáo kia bỏ cái đuôi của chúng thì cũng chẳng có ích gì nữa”.
Truyện thai giáo 4: Lão Hà Tiện
Truyện thai giáo: Lão hà tiện
“Ngày xửa ngày xưa, có một lão hà tiện yêu tiền hơn yêu cuộc sống của mình. Ông ta có một đứa con mười tuổi và rất nhiều nô bộc trong nhà. Lão hà tiện thấy nô bộc của mình cứ ra ra vào vào, trong lòng rất lo lắng. Hắn nghĩ, nếu nô bộc lấy cắp đồ đạc của mình mà mình không biết thì rõ ràng là đã mất quá nhiều!
Lão hà tiện liền đuổi việc tất cả nô bộc trong nhà, bán cả nhà, đổi toàn bộ tài sản của mình thành vàng và chôn xuống đất. Hắn và đứa con trai ở trong hai căn phòng nhỏ, sống cuộc sống bình thường như những người khác. Không lâu sau đó, lão hà tiện lại có nỗi khổ khác, lão e rằng tiền vàng mà mình chôn dưới đất sẽ bị ai đó phát hiện ra. Thế là ngày nào lão cũng đào tiền vàng lên kiểm tra, chỉ khi tận mắt nhìn thấy những đồng tiền vàng óng lão mới yên tâm.
Hành động kỳ quặc đó của lão hà tiện khiến mọi người chú ý, đặc biệt là người chăn cừu hàng xóm. Có một hôm, lão hà tiện lại đến chỗ giấu vàng, đảo mắt nhìn quanh thấy không có ai mới dám nhẹ nhàng đào hòm tiền vàng lên, đếm đi đếm lại, sau đó lại chôn vào chỗ cũ, yên tâm về nhà. Người chăn cừu nấp đằng sau một cái cây đã nhìn thấy tất cả. Thế là anh liền đến chỗ lão hà tiện chôn hòm tiền vàng, đào lên và mang chia cho những người nghèo trong làng.
Ngày hôm sau, lão hà tiện lại đến chỗ chôn tiền vàng kiểm tra, khi phát hiện ra tiền vàng không còn nữa, liền ôm mặt khóc rưng rức. Có người thấy vẻ đau khổ của lão hà tiện liền hỏi nguyên do và an ủi:
– Ông đừng buồn nữa, tiền vàng tuy là của ông, nhưng từ trước đến nay ông chưa dùng gì đến nó, như vậy còn có ý nghĩa gì nữa? Bây giờ tuy không còn tiền nữa, nhưng nếu tiền có thể phát huy được tác dụng của nó, thì ông cũng nên cảm thấy vui mừng thay nó chứ, phải không?”
Truyện thai giáo 5: Bác Gấu Đen và hai Chú Thỏ
Truyện thai giáo: Bác gấu đen và hai chú thỏ
“Trời mưa to như trút nước. Gió thổi ào ào… bẻ gẫy cả cành cây. Gấu Đen đi chơi về bị ướt lướt thướt, nước mưa chảy ròng ròng xuống mặt Gấu. Gấu chạy mãi, chạy mãi trong rừng để tìm chỗ trú nhờ. May quá nhà của Thỏ Nâu đây rồi!
– Cốc, cốc, cốc.
Thỏ Nâu đang ngủ liền tỉnh dậy, gắt gỏng hỏi:
– Ai đấy nửa đêm rồi phải để cho người ta ngủ chứ?
– Bác Gấu Đen đây! Mưa to quá, cho bác trú nhờ một đêm với.
Thỏ Nâu không mở cửa, nó càu nhàu:
– Không trú nhờ được đâu. Bác to quá, bác làm đổ nhà của cháu mất!
Gấu Đen van nài:
– Bác không làm đổ nhà của cháu đâu mà. Cho bác vào đi. Bác vào rất nhẹ nhàng thôi!
– Nhẹ cũng đổ, không nhẹ cũng đổ. Bác đi đi!
Thỏ Nâu vẫn nằm trong nhà nói vọng ra, nó nhất định không ra mở cửa. Gấu Đen buồn rầu đi. Nước mưa chảy ròng ròng xuống cổ Gấu Đen. Gấu Đen đi mãi, đi mãi, vừa mệt vừa rét. Bỗng nhiên Gấu Đen nhìn thấy có một ngôi nhà. Trong nhà thắp đèn sáng trưng. Có tiếng thỏ trắng khe khẽ hát “Là lá la…”. Gấu Đen lại gần và rụt rẻ gõ cửa:
– Cốc, cốc, cốc.
– Ai đấy ạ?
– Bác Gấu Đen đây! Cho bác vào trú nhờ có được không?
Thỏ trắng bước ra mở cửa.
– Ồ! Chào bác Gấu Đen, mời bác vào đây, bác ướt hết rồi!
Thỏ trắng dắt bác Gấu Đen vào nhà, kéo ghế mời bác Gấu Đen ngồi. Gấu Đen hơ người một lúc, nước mưa trên mặt cũng khô, trên cổ cũng khô.
Trong khi bác Gấu Đen sưởi ấm. Thỏ Trắng bưng ra một đĩa bánh mới bác Gấu Đen ăn. Gấu Đen cảm động nói:
– Bác… Bác xin cảm ơn Thỏ Trắng.
Gấu Đen ăn xong, Thỏ Trắng và bác Gấu Đen cùng đi ngủ.
Nửa đêm bão nổi lên ầm ầm. Cành cây gãy kêu răng rắc. Có tiếng đập của thình thình:
– Bạn Thỏ Trắng ơi! Cho tôi vào trú nhờ với, nhà của tôi đổ mất rồi!
Gấu Đen vội choàng dậy, chạy ra mở cửa. Thỏ Nâu vừa khóc vừa kể với bác Gấu Đen và Thỏ Trắng.
– Hu, hu, hu, nhà của tôi đổ mất rồi. Làm thế nào bây giờ!
Gấu Đen kéo Thỏ Nâu đến bên đống lửa an ủi Thỏ Nâu:
– Đừng khóc nữa Thỏ Nâu ơi! Cháu sưởi cho ấm người đi! Nhà bị đổ chứ gì? Sáng mai bác và Thỏ Trắng sẽ làm lại nhà cho cháu. Thỏ Trắng cũng nói thêm:
– Bạn đừng lo, sáng mai tôi cũng sẽ giúp bạn làm lại nhà!
Thỏ Nâu sưởi một lúc, nước mưa trên người đã khô. Lúc này Thỏ Nâu mới ân hận là đã đuổi bác Gấu Đen. Thỏ Nâu ngập ngừng định xin lỗi bác Gấu.
– Thôi Thỏ Nâu đừng buồn, bác không giận cháu đâu. Thôi nào bác cháu ta đi ngủ kẻo khuya quá rồi!
Đêm hôm ấy, Thỏ Nâu và Thỏ Trắng ôm bác Gấu Đen ngủ thật ngon lành”.
Nhớ rằng việc kể chuyện thai giáo cho bé không nhất thiết phải sử dụng sách, bạn có thể tự tạo ra những câu chuyện đơn giản dựa trên sự tưởng tượng của mình và kể cho thai nhi nghe hàng ngày. Điều quan trọng là tạo môi trường yên tĩnh và yêu thương để kết nối với bé qua những câu chuyện thú vị này.
Mẹ sinh em bé ở tphcm hãy tham khảo dịch vụ chăm sóc mẹ và bé của Happy Mum Care để khi sinh mẹ có thể sử dụng dịch vụ cho bé khỏe, mẹ mau lấy lại vóc dáng.